Thành tựu khoa học

Tử cung nhân tạo tăng cơ hội sống cho trẻ sinh non – Tuổi trẻ Online

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Thai nhi ở Bệnh viện Nhi Philadelphia thực hiện, mang lại hy vọng sống sót cho các trẻ em sinh non hoặc trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng.

Thiết bị có cấu tạo như một túi sinh học, với các đặc điểm hệt như môi trường trong tử cung, giúp em bé sinh non phát triển như đang sống trong bụng mẹ.

Con cừu non được nuôi trong một loại dung dịch giống với nước ối và được hỗ trợ chất dinh dưỡng qua thiết bị như dây rốn. Ngoài ra, thiết bị này cũng giúp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng phổi, một trong các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ sơ sinh thiếu tháng.

Nhóm sáng chế nhấn mạnh tử cung nhân tạo không nhằm mục đích giúp thai phụ kết thúc thai kỳ sớm, mà chỉ để cung cấp môi trường an toàn cho các trẻ phải sinh sớm hơn dự kiến.

Tại Anh, trẻ sinh non vào khoảng 23 tháng tuổi có tỉ lệ sống sót khá thấp, chỉ vào khoảng 1/3. Trong đó, 90% trẻ có nguy cơ mắc các bệnh phổi mãn tính hoặc liên quan đến hệ miễn dịch.

“Thiết bị của chúng tôi giúp ngăn ngừa các bệnh tật nghiêm trọng có thể xảy ra cho thai nhi sinh non thông qua các công nghệ y khoa chưa từng có trước đây”, tiến sĩ Alan Flake, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thai nhi ở Bệnh viện Nhi Philadelphia, Mỹ, chia sẻ.

Trong thí nghiệm, sáu con cừu sinh non được nuôi trong tử cung nhân tạo trong thời gian một tháng. Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communication cho thấy các con vật hít thở và nuốt như bình thường, mở mắt, mọc lông, phát triển hệ thần kinh và cơ quan nội tạng hoạt động hoàn thiện.

Tiến sĩ Flake nhấn mạnh không công nghệ nào có thể thay thế tử cung người mẹ trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Ngoài ra, cừu non và trẻ sơ sinh cũng có những khác biệt đáng kể trong quá trình phát triển. Cừu mất 5 tháng để hoàn thiện cơ thể trong khi con người cần đến 8 tháng. Bên cạnh đó, cừu cũng lớn hơn trẻ sơ sinh gấp ba lần.

Nguồn: Tuổi Trẻ Online