Khoa Nội tiêu hóa

Nội soi đại trực tràng ở trẻ em

NỘI SOI ĐẠI TRỰC TRÀNG LÀ GÌ?
Ống tiêu hóa dưới từ ngoài vào bao gồm hậu môn, trực tràng, đại tràng chậu hông (Sigma), đại tràng trái, đại tràng ngang, đại tràng phải và manh tràng. Nội soi là phương pháp các bác sĩ dùng một ống soi mềm, đường kính nhỏ, được gắn đèn và máy quay phim rất nhỏ đưa từ ngả hậu môn vào đường tiêu hóa dưới để quan sát hình ảnh bên trong lòng trực tràng và đại tràng (còn được gọi chung là ruột già). 

TẠI SAO TRẺ EM CẦN PHẢI NỘI SOI ĐẠI TRỰC TRÀNG?
Các bác sĩ sẽ đề nghị trẻ nội soi khi nghi ngờ trẻ có bệnh ở đường tiêu hóa dưới như viêm loét, chảy máu, polyp, dị vật, và nhiễm trùng. Một số lý do thường gặp sau đây:
– Tiêu ra máu
– Tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân
– Thiếu máu không rõ nguyên nhân
– Tổn thương quanh hậu môn (lỗ rò, áp xe…)
– Nghi ngờ có tổn thương vùng đại trực tràng
– Nghi ngờ polyp đại trực tràng
– Nghi ngờ bệnh ruột viêm (bệnh Crohn hay viêm đại tràng xuất huyết)
– Dị vật vùng đại trực tràng

Nội soi giúp bác sĩ thấy rõ tổn thương niêm mạc trong lòng đại trực tràng mà các xét nghiệm như siêu âm, Xquang, CT scan… không khảo sát được. Từ đó, bác sĩ có thể quan sát được các bất thường đang xảy ra bên trong lòng ruột để chẩn đoán bệnh tiêu hóa chính xác nhất và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho trẻ.
Nội soi đại trực tràng không gây đau, và hầu hết trẻ có thể về nhà trong ngày sau nội soi.

NỘI SOI ĐẠI TRỰC TRÀNG ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Trẻ sẽ được gây mê và ngủ suốt thời gian soi.
Bác sĩ sẽ đưa ống soi từ ngả hậu môn vào trực tràng và đại tràng của trẻ để quan sát và chụp lại hình ảnh bất thường. Ngoài ra, bác sĩ có thể lấy những mẩu mô rất nhỏ (gọi là sinh thiết) để làm những xét nghiệm chuyên sâu hơn. Một số trường hợp có thể điều trị bằng nội soi như cắt polyp, cầm máu hay lấy dị vật.
Thời gian nội soi: 45-60 phút tùy từng trường hợp.

Khi nội soi kết thúc, trẻ sẽ tỉnh lại trong thời gian ngắn và hầu như không có cảm giác khó chịu gì. Tuy nhiên, trẻ cần được theo dõi tại bệnh viện ít nhất 2 giờ để đảm bảo an toàn. Bác sĩ sẽ khám lại cho trẻ một lần nữa trước khi xuất viện hoặc cho trẻ nhập viện theo dõi thêm nếu cần.

NỘI SOI ĐẠI TRỰC TRÀNG CÓ BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM KHÔNG?
Nội soi đại trực tràng rất phổ biến và khá an toàn. Tuy nhiên, thủ thuật này khó và phức tạp hơn nội soi tiêu hóa trên do ống tiêu hóa dưới dài và có những đoạn gập góc. Ngoài ra, bất cứ thủ thuật nào cũng có một số nguy cơ, và tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của trẻ. Trường hợp phản ứng dị ứng với thuốc mê, hít sặc, chảy máu chỗ sinh thiết, chỗ cắt polyp, nhiễm trùng và thủng ruột thật sự rất hiếm gặp. Thông thường bác sĩ tiêu hóa và bác sĩ gây mê sẽ khám thật kỹ cho trẻ trước khi quyết định thực hiện nội soi để đảm bảo an toàn nhất cho trẻ khi làm thủ thuật.

TRẺ CẦN CHUẨN BỊ GÌ CHO NGÀY NỘI SOI?
Chuẩn bị ruột cho nội soi đại trực tràng
Việc chuẩn bị ruột sạch rất quan trọng vì có thể giúp bác sĩ quan sát rõ và tránh bỏ sót các tổn thương trong lòng ruột khi soi. Bác sĩ sẽ cho trẻ dùng thuốc và các phương pháp làm sạch ruột trước ngày soi. Khi đó, trẻ sẽ đi tiêu phân lỏng và thường xuyên hơn đến khi ruột sạch phân.

+ Ngày trước nội soi __/__/____
– Trẻ CHỈ ăn thức ăn lỏng như cháo loãng, súp, uống nước ép trái cây không hạt (táo, nho trắng, chanh), kem lạnh, rau câu không màu.
Trẻ KHÔNG dùng thức ăn đặc, sữa hoặc sản phẩm từ sữa, nước trái cây có cái, thức ăn, nước uống có màu (đặc biệt màu đỏ hoặc tím)
Uống nhiều nước lọc
Trẻ uống thuốc và bơm thuốc qua ngả hậu môn theo hướng dẫn trong toa thuốc của bác sĩ đảm bảo lòng ruột sạch phân.

+ Vào ngày nội soi __/__/____
– Ngưng uống sữa và thức ăn : 6 giờ trước nội soi
– Nhịn hoàn toàn (kể cả uống nước) : 2 giờ trước nội soi
– Có mặt đúng giờ tại Phòng Nội Soi Tiêu hóa (Khu Phẫu thuật trong ngày)
– Mang theo PHIẾU HẸN NỘI SOI
– Trường hợp trẻ không thể đến nội soi đúng hẹn, vui lòng liên hệ Khoa Nội Tiêu Hóa báo hủy hẹn nội soi hoặc đổi lịch hẹn nếu cần.

Ngoài ra, để đảm bảo nội soi an toàn, phụ huynh cần:
– Thông báo cho bác sĩ biết các bệnh lý mạn tính của trẻ đặc biệt bệnh tim, phổi, gan, thận, đái tháo đường, máu khó đông.
– Thông báo cho bác sĩ biết tình trạng dị ứng của trẻ (thuốc, gây mê)
– Thông báo cho bác sĩ biết các thuốc trẻ đang uống, đặc biệt thuốc kháng đông
– Tuân thủ các hướng dẫn chuẩn bị ruột trước nội soi của bác sĩ và điều dưỡng
– Trước ngày nội soi vui lòng liên hệ Khoa Nội Tiêu Hóa để được tư vấn khi:
Trẻ bị ho, sổ mũi, đau họng, nôn ói, tiêu chảy hay táo bón
Trẻ không khỏe

TRẺ CẦN ĐƯỢC THEO DÕI SAU NỘI SOI NHƯ THẾ NÀO?
Trong vòng 24 giờ sau nội soi, tác dụng của các thuốc gây mê có thể còn. Vì vậy, trẻ cần được nghỉ ngơi hoàn toàn tại nhà, hạn chế các hoạt động mạnh và không được tham gia các hoạt động như đi xe đạp, bơi lội, sử dụng vật dụng sắc nhọn.
Trẻ có thể cảm giác mệt mỏi, đau họng, và đầy bụng khó tiêu trong một vài ngày.
Trẻ có thể ăn uống lại khi cảm thấy khỏe (uống nước, ăn thức ăn lỏng và sau đó là thức ăn đặc). Tránh dùng các nước uống có gas.
Báo ngay cho bác sĩ nếu bé sốt cao, mệt mỏi lừ đừ, da niêm xanh xao, nôn ói, đau ngực, đau bụng nhiều ngày càng tăng và tiêu ra máu.

THÔNG TIN LIÊN HỆ
15 đường Võ Trần Chí, Tân Kiên, Bình Chánh, TP. HCM
Điện thoại: (28) 2253 6688 – Số nội bộ : 8510
Website:http://www.bvndtp.org.vn
Email: khoatieuhoa@bvndtp.org.vn