Tai nạn thương tích trẻ em

Nhận biết rắn độc – Xử trí sơ cứu khi bị rắn cắn

Ở vùng quê hay ngoại thành, trẻ chơi đùa trong vườn hay ngoài đồng ruộng, bị rắn cắn, được đưa đến bệnh viện, bác sĩ thường hỏi trẻ bị rắn gì cắn vì vậy phụ huynh lưu ý cách nhận dạng rắn độc, cách sơ cứu nếu bị rắn cắn cũng như cách phòng ngừa. Sau đây là vài thông tin về rắn.

Rắn độc có 2 họ:
-Họ rắn hổ: rắn hổ đất, hổ chúa, hổ mèo, cạp nong, cạp nia
-Họ rắn lục: rắn lục xanh, chàm quạp

Rắn hổ mèo (Spectacle marking cobra, spitting cobra): ở giữa phía cổ mặt lưng lộ rõ một hình mắt kính ngược
Rắn hổ đất (Monocellate cobra): ở giữa phía cổ mặt lưng lộ rõ một vòng tròn màu trắng
Rắn chàm quạp (Calloselasma rhodostoma Malayan pit viper): trên mình có hình tam giác đỉnh hướng về lưng
Rắn cạp nia (bungarus candidus): khoanh đen-trắng xen kẽ
Rắn lục đuôi đỏ (green pit viper, Trimeresurus albolabris): thân mình có màu xanh, đuôi màu đỏ

Dấu hiệu nhận biết khi bị rắn cắn
Quan sát nhanh vết cắn giúp ích cho việc xác định có phải bị rắn độc cắn hay không bằng các dấu hiệu:
-Sưng nhiều, đau nhức nhiều ở chổ bị cắn
-Vết cắn có 2 dấu răng nọc

  • Rắn họ lục:

. Dấu hiệu tại chổ: sưng, bầm, hoại tử và da phồng rộp chứa đầy dịch
. Rối loạn đông máu: xuất huyết da, niêm

  • Rắn họ hổ:

. Dấu hiệu tại chổ ít
. Dấu hiệu toàn thân: chóng mặt, buồn nôn, khó thở, yếu liệt chi

Xử trí sơ cứu khi bị rắn cắn
Nếu bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành đều cần theo dõi sát như là một trường hợp rắn độc cắn, ít nhất là trong 6 giờ đầu. Đặc biệt khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.
-Cho nạn nhân nằm yên, trấn an họ
-Bất động và đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc
-Rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước
-Phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng, băng quanh dọc trên vết thương
-Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.

Những điều nên làm
-Trấn an nạn nhân để tránh nọc độc lan nhanh
-Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế

Những việc nên tránh
-Không nên garô phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi
-Không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra do hiện nay không thấy hiệu quả mà gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc

Phòng ngừa
-Không cho trẻ leo trèo cây vì dễ bị tai nạn do té hoặc bị rắn lục núp trong các tàn lá tấn công
-Mang giày cao ống và mặc quần dài phủ ra ngoài giày là cách tốt nhất khi đi trên cỏ rậm hoặc vùng có nhiều rắn
-Phát hoang rộng xung quanh nhà, trnh khi trời mưa to, rắn chạy trú ẩn trong nhà, tấn công người.

BS CKII NGUYỄN MINH TIẾN
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ