Góc báo chí

Chuyện hiếm có: một thành phố có 3 bệnh viện Nhi, đều là bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối với cùng quy mô 1.000 giường – Medinet

Ngày 1 tháng 6 cách đây 40 năm cũng là ngày vui của thành phố khi Bệnh viện Nhi Đồng 2 chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Có thể nói, với sự ra đời của Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, lần đầu tiên trên cả nước, và rất hiếm hoi trên thế giới khi một thành phố có đến 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi, mỗi bệnh viện đều có quy mô 1.000 giường, cả 3 bệnh viện đều là bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối cho cả khu vực phía Nam.

Điểm lại các mốc lịch sử đáng nhớ của 3 bệnh viện như sau:

Cách đây 62 năm, năm 1956, Bệnh viện Nhi đồng 1, lúc bấy giờ có tên là “Bệnh viện Nhi Đồng”, được xây dựng chính thức đi vào hoạt động vào năm 1958. Đây là bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu tiên của thành phố và của miền Nam lúc bấy giờ. Đến năm 1978, nhiều cán bộ  chủ chốt và các y bác sĩ giỏi của bệnh viện được thành phố điều động sang “chia lửa” cho Bệnh viện Nhi Đồng 2 do mới được thành lập, khi đó Bệnh viện Nhi Đồng có tên chính thức là Bệnh viện Nhi Đồng 1. Với hơn 60 năm phát triển, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, một đặc điểm rất “Nhi đồng 1” đó là bệnh viện đã phát triển chuyên môn, kỹ thuật từ nền tảng “chăm sóc sức khoẻ ban đầu” và “kỹ thuật học thích hợp” nhằm hỗ trợ và chỉ đạo cho sự phát triển “nhi khoa đại chúng” trong cả khu vực phía Nam. Trên nền tảng đó, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã từng bước phát triển kỹ thuật chuyên sâu một cách vững chắc, thật sự trở thành một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành và tạo niềm tin cho người dân của cả khu vực phía Nam. Năm 2017, Bệnh viện Nhi Đồng 1 một lần nữa đã “chia lửa” cho Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, nhiều cán bộ chủ chốt, bác sĩ giỏi, điều dưỡng giỏi đã nhận nhiệm vụ sang Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Cách nay 40 năm, năm 1978, Bệnh viện Nhi Đồng 2 chính thức đi vào hoạt động. Bệnh viện Nhi đồng 2 có tiền thân là Bệnh viện Hải Quân được xây dựng năm 1867, bắt đầu nhận bệnh từ năm 1873 phục vụ cho cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp. Sau đó lần lượt đổi tên thành Bệnh viện Quân Đội, Bệnh viện Grall, Bệnh viện Đồn Đất. Từ năm 1958, Bệnh viện Đồn Đất trở thành bệnh viện dân sự, với 560 giường, do Pháp quản lý. Từ năm 1975, Bệnh viện Đồn Đất trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh với 350 giường, trực thuộc Bộ Y tế, có nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cán bộ trung, cao cấp, dân chính Đảng đến từ các cơ quan Trung ương và TP.HCM. Sau 3 năm,  Bệnh viện Đồn Đất được chuyển về Bệnh viện Thống Nhất, và ngày 1.6.1978, Bệnh viện Nhi đồng 2 được thành lập trên cơ sở vật chất của Bệnh viện Đồn Đất. Từ lúc thành lập đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã không ngừng phát triển chuyên môn kỹ thuật, xứng tầm là một Bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối, nhiều kỹ thuật mới của chuyên khoa Nhi lần đầu tiên được triển khai tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, nổi bật nhất là ghép tạng. Năm 2017, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã “chia lửa” cho Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, nhiều cán bộ chủ chốt, bác sĩ giỏi, điều dưỡng giỏi đã nhận nhiệm vụ sang Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Và hôm nay, ngày 1/6/2018, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố chính thức ra đời, nhân viên Ngành Y tế Thành phố nói chung, đặc biệt là các y bác sĩ chuyên ngành Nhi khoa rất tự hào và hãnh diện vì đã có một bệnh viện chuyên khoa Nhi hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực không những về cơ sở hạ tầng khang trang đạt chuẩn quốc tế và nhất là được đầu tư tất cả trang thiết bị hiện đại, niềm mong ước của bất cứ ai đã từng công tác trong lĩnh vực chuyên khoa Nhi. Chắc chắn rằng tập thể y bác sĩ và toàn thể nhân viên của Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố sẽ nỗ lực không ngừng để đáp lại sự quan tâm sâu sát của Chính phủ, của lãnh đạo Thành phố đã ưu tiên đầu tư nguồn lực, đáp lại sự chia sẽ nguồn nhân lực chủ chốt của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2, và nhất là sự mong đợi của người dân thành phố và khu vực phía Nam.

Ngành Y tế Thành phố đã định hướng phát triển của 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi của thành phố như sau:

(1) Cả 3 bệnh viện đều là bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối của thành phố và các tỉnh khu vực phía Nam, chịu trách nhiệm tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nặng được chuyển đến từ các bệnh viện của thành phố và các bệnh viện tỉnh thuộc khu vực phía Nam, đồng thời chịu trách nhiệm chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện tuyến huyện của thành phố và các bệnh viện tuyến tỉnh trong lĩnh vực Nhi khoa.

(2) Cả 3 bệnh viện đều phát triển các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị tuyến cuối về nhi khoa, bao gồm các bệnh lý phổ biến trong Nhi khoa, nhất là các bệnh lý nội khoa quá khả năng điều trị của tuyến trước cần can thiệp các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, các bệnh lý sơ sinh nặng cần hồi sức sơ sinh ở cấp độ IV (cấp độ cao nhất về can thiệp hồi sức chuyên sâu sơ sinh, bao gồm cả phẫu thuật các dị tật bẩm sinh phức tạp nhất), các bệnh lý ngoại khoa cần can thiệp phẫu thuật, kể cả phẫu thuật tim bẩm sinh.

(3) Mỗi bệnh viện sẽ hình thành các trung tâm chuyên sâu vừa đáp ứng nhu cầu điều trị cho người dân của cả khu vực, không phải ra nước ngoài điều trị, vừa là trung tâm đào tạo và chuyển giao kỹ thuật các bệnh viện trong khu vực phía Nam và cả khu vực các nước lân cận. Trong tương lai không xa, 3 trung tâm chuyên sâu sẽ hình thành tại 3 bệnh viện Nhi đồng của thành phố: (a) Trung tâm Y học hạt nhân trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, (b) Trung tâm tim mạch trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 1; (c) Trung tâm ghép tạng trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Với sự quan tâm đầu tư của lãnh đạp thành phố, với định hướng phát triển chuyên môn của Ngành Y tế, các bệnh viện chuyên khoa Nhi của Thành phố sẽ không ngừng nỗ lực để đưa ngành Nhi khoa phát triển ngang tầm trong khu vực trong tương lai không xa.

Nguồn: Sở Y tế TP.HCM