Phòng Chỉ đạo tuyến

Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học và Sáng kiến cải tiến kỹ thuật năm 2018

Đối với Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, Nghiên cứu khoa học (NCKH) có tầm quan trọng rất lớn trong quá trình phát triển kiến thức nghề nghiệp và nâng cao hiệu quả bảo vệ và chăm sóc sức khỏe (CSSK), chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Cùng với việc tạo ra kiến thức mới, nâng cao chất lượng và sự an toàn của các dịch vụ liên quan sức khỏe con người, NCKH làm tăng giá trị nghề nghiệp và tăng cường hiệu quả chi phí trong lĩnh vực y tế. Ngày nay, những giá trị to lớn đó của NCKH luôn được Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố khẳng định trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bệnh Nhi.

Trong năm 2018 vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố đã nỗ lực không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả quản lý; hoàn thiện hạ tầng khoa học, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển khoa học, công nghệ.

Song song với đó, toàn Bệnh viện đã 10 đề tài nghiên cứu khoa học, đồng thời có 39 Sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại lợi ích cho công tác chuyên môn, đặc biệt là lĩnh vực khám, chữa bệnh. Một số đề tài nghiên cứu khoa học tiêu biểu sau:

Đề tài: Kết quả điều trị cơn suyễn nặng ở trẻ em tại bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Nhóm tác giả: Nguyễn Minh Tiến; Nguyễn Hữu Nhân; Lê Vũ Phượng Thy; Nguyễn Thị Gia Hạnh; Nguyễn Ngọc Yến Nhi; Nguyễn Thị Hoàng Thu; Phan Thanh Hồng; Lưu Ngọc Hương

Tóm tắt

Mục tiêu: khảo sát đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị trẻ bị suyễn cơn nặng nhập khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố trong thời gian từ 01/2017 đến 04/2018.Phương pháp: mô tả hồi cứu hàng loạt ca.

Kết quả: Có 172 trẻ suyễn cơn nặng nhập khoa cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố trong thời gian từ tháng 01/2017 – 30/04/2018, tuổi trung bình 3,4 tuổi, tỉ lệ nam/nữ : 1,1/1. Tỉ lệ đáp ứng sau điều trị ban đầu 85,5%. Trẻ suyễn nặng không đáp ứng với điều trị ban đầu được xử trí thêm magnesium sulfate truyền tĩnh mạch, khí dung, aminophylline, salbutamol truyền tĩnh mạch, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn. Không trường hợp tử vong được ghi nhận.

Kết luận: Để điều trị thành công cơn suyễn nặng, cần thiết phải cập nhật phác đồ điều trị. Ngoài ra vấn đề giáo dục, quản lý suyễn cần đặt ra rộng rãi hơn, hiệu quả hơn để giảm số trẻ có nguy cơ cao cũng như giảm tần suất cơn suyễn nặng giúp trẻ hòa nhập với cuộc sống hàng ngày.

Đề tài : Khảo sát mức độ hài lòng đối với khối xét nghiệm của nhân viên các khoa lâm sàng đối với hoạt động xét nghiệm tại bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Nhóm tác giả: Võ Minh Hiển; Lê Thị Hồng Linh; Nguyễn Quốc Trung; Huỳnh Thị Tú Anh; Trần Thiên Tứ; Bùi Đoàn Xuân Linh; Nguyễn Thị Thanh Hà.

Tóm tắt

Mục tiêu: Xác định mức độ hài lòng của nhân viên khoa lâm sàng đối với khối xét nghiệm về thái độ giao tiếp, về hướng dẫn cách lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển mẫu và trả kết quả xét nghiệm. Xác định mức độ hài lòng của nhân viên khoa lâm sàng đối với khối xét nghiệm về thời gian trả kết quả xét nghiệm.

Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang

Kết quả: 

Mức độ nhân viên đánh giá từ Bình thường đến rất hài lòng trở lên chiếm tỉ lệ khá ưu thế: 81% .Trong đó, ghi nhận nhiều phản hồi tốt như: Biểu mẫu xét nghiệm thể hiện đầy đủ thông tin (95.6% tích cực). Hài lòng về chất lượng kết quả xét nghiệm (87.6% tích cực). Được giải đáp đầy đủ thắc mắc, khiếu nại về xét nghiệm (81%). Thuận tiện truy cập các thông tin về dịch vụ xét nghiệm qua mạng (86.1%).

Mức độ không hài lòng trở xuống chiếm phần nhỏ là 19%. Chủ yếu vẫn là những phản hồi về việc. Thời gian trả kết quả xét nghiệm giấy và upload kết quả trể ( thường và khẩn) chiếm tỉ lệ 56%.Trả kết quả xét nghiệm thiếu chiếm tỉ lệ 15.2%.

Kết luận: Tiếp tục duy trì chất lượng kết quả xét nghiệm tốt đã đạt được. Giám sát chặt chẽ hơn thời gian trả kết quả xét nghiệm cũng như thời gian upload kết quả lên mạng His.

Các nhân viên từ các khoa, phòng trực tiếp sử dụng hệ thống vận chuyển phải được tập huấn thường xuyên về cách sử dụng, tránh nguy cơ sai sót khi vận hành.

Đề tài : Đặc điểm vi sinh học bệnh nhân cấy máu dương tính tại bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố từ tháng 11/2017 đến tháng 11/2018
Nhóm tác giả: Thân Đức Dũng; Đặng Thị Kim Ngân; Nguyễn Thị Thanh Hà;Huỳnh Thị Mỹ Linh; Nguyễn Ngọc Thanh Trúc

Tóm tắt:

Mục tiêu: Đánh giá tình hình nhiễm khuẩn thường gặp và tình hình kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn thường gặp tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố 11/2017 – 11/2018

Phương pháp nghiên cứu: cắt ngang mô tả

Kết quả: Tỷ lệ cấy máu dương tính: 13.08%(7.4%). Tỷ lệ bệnh nhân nhiễm trùng huyết có tỷ lệ cấy máu dương cao. Tỷ lệ Nam chiếm nhiều hơn nữ, đa số ở lứa tuổi 2 tháng – 1 tuổi (44.7%), Bệnh nhân ở tỉnh có tỷ lệ phân lập chiếm đa số. Đối với các cầu khuẩn Gram dương, SCN chiếm đa số, tỷ lệ MRSA trong Staphylococcus aureus chiếm 80.6%. Đối với trực khuẩn Gram âm, vi khuẩn Acinetobacter, Stenotrophomonas maltophilia, Burkholderia cepacia chiếm ưu thế. Tỷ lệ đề kháng sinh không cao cần tiếp tục có chiến lược sử dụng kháng sinh hợp lý.

Đề tài: Bước đầu phát triển Đơn vị Chăm sóc giảm nhẹ tại Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố.
Nhóm tác giả: Bùi Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thị Hoàng Quỳnh, Phạm Thị Loan, Vương Nguyễn Toàn Thiện

Tóm tắt:

Mục tiêu: Mô tả đặc điểm dân số và đặc điểm lâm sàng các bệnh nhân đã được chăm sóc giảm nhẹ tại bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố từ tháng 4 năm 2017 đến tháng 8 năm 2018.

Phương pháp: Mô tả hồi cứu hàng loạt trường hợp.

Kết quả: Từ 4/2017-8/2018 Đơn vị Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố đã can thiệp điều trị chăm sóc giảm nhẹ được cho 76 trường hợp với 152 lượt.  Tỉ lệ Nam/nữ: 1,56/1; Đa số là bệnh nhân < 5 tuổi (67%); tỉ lệ can thiệp điều trị CSGN theo khoa phòng (Hồi sức tích cực 42%, Hồi sức sơ sinh 22% – chiếm đa số, các khoa khác còn ít như UBHH 1%), theo bệnh lý và hình thức can thiệp (Đa số là hỗ trợ tâm lý 46% và chia sẻ quyết định điều trị 34%, kiểm soát triệu chứng, lập kế hoạch điều trị còn ít với 14% và 5%, chăm sóc cận tử 1%). Thời gian sống còn ngắn (dưới 1 tháng chiếm với 66% trong đó dưới 1 tuần 46%).

Kết luận: Thực hiện được gần như đầy đủ các hoạt động của CSGN bao gồm hỗ trợ tâm lý, chia sẻ quyết định điều trị, lập kế hoạch điều trị, kiểm soát triệu chứng, chăm sóc cận tử. Tuy nhiên chưa có sự đồng bộ về can thiệp điều trị CSGN giữa các khoa phòng, Thời điểm can thiệp CSGN trễ. Để đẩy mạnh chăm sóc giảm nhẹ cần phải có những thay đổi để phát triển Đơn vị, tăng số số lượt, số trường hợp được can thiệp CSGN và lồng ghép can thiệp CSGN cho các bệnh nhân thuộc đối tượng CSGN sớm hơn vào quá trình điều trị.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những bước đột phá cho Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố nhờ đó các thủ tục hành chính, quy trình khám, chữa bệnh được thực hiện nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh Nhi và thân nhân bệnh Nhi sử dụng các dịch vụ y tế. Đồng thời, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cũng triển khai có hiệu quả ứng dụng tiến bộ KH&CN vào công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cải thiện hiệu quả công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng dịch vụ, khẳng định thương hiệu của đơn vị, ngành Y tế, hướng tới sự hài lòng của bệnh Nhi, thân nhân bệnh Nhi.

PHÒNG CHỈ ĐẠO TUYẾN
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ