Góc nhìn

Bài dự thi cuộc thi viết ‘Khoảnh khắc nghề y’: Thắp sáng ngọn lửa đam mê – Báo Thanh Niên

Có bao giờ bạn tự hỏi mình sinh ra để làm gì? Tại sao mình phải tự chọn con đường tương lai phía trước cho chính mình mà không phải là một ai khác?

Và đã có khi nào bạn phải hối tiếc khi nhìn lại con đường mà bạn đã đi qua chưa? Đối với tôi con đường tương lai mà tôi đang tiếp bước vẫn còn rất dài và xa lắm. Nhưng tôi tự hào với sự lựa chọn tương lai cho chính mình vì tôi thật sự yêu thích màu áo blouse trắng mà tôi đang khoác lên mình mỗi ngày. Con đường tương lai mà tôi đã và đang đi chính là nghề y. Nhưng công việc mà tôi lựa chọn không phải là một nữ bác sĩ hay một nữ y tá mà đó là công việc của một người dược sĩ.

Tôi thích nhìn ngắm những viên thuốc đầy màu sắc rực rỡ ngay từ hồi còn bé. Và rồi tôi ước mơ lớn lên tôi sẽ thi vào trường y dược. Nhưng tôi lại thi không đậu vào trường này. Tưởng chừng như ước mơ của tôi đã dừng lại ở đó nhưng may mắn thay tôi lại có thêm cơ hội nữa khi tôi thi đậu ngành dược hệ trung cấp. Ngày cắp sách đến trường học lớp dược sĩ trung cấp, tôi hứa với lòng sẽ cố gắng học thật tốt để mai này phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Ngày tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi tôi được nhận vào công tác tại khoa Dược của Trung tâm y tế huyện Long Điền.

Tôi được Trưởng khoa phân công phụ trách bộ phận kho cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh nhân. Ban đầu tôi nghĩ công việc này hẳn đơn giản lắm đây, chỉ cần nhìn toa thuốc và lấy thuốc trao cho bệnh nhân thế là xong. Nhưng thực tế công việc cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh nhân không êm ái, nhẹ nhàng, đơn giản như bạn tưởng đâu mà nó rất phức tạp và đòi hỏi phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ cao. Làm việc tại bộ phận cấp phát thuốc bảo hiểm y tế hàng ngày tôi phải tiếp xúc với mọi tầng lớp bệnh nhân từ trẻ nhỏ đến các ông cụ, bà cụ. Nếu chỉ nhìn toa thuốc rồi lấy thuốc đưa cho bệnh nhân thì công việc quá nhẹ nhàng rồi. Thuốc nếu chúng ta biết cách sử dụng đúng sẽ có tác dụng đều trị bệnh cao, hiệu quả, an toàn. Nếu sử dụng sai mục đích, dùng không đúng cách có thể dẫn đến nguy hại thậm chí tử vong. Sau khi lấy thuốc cho bệnh nhân xong tôi phải kiểm tra lại lần nữa số lượng cũng như tên thuốc mình lấy cho bệnh nhân có đúng không. Trước khi đưa thuốc cho bệnh nhân tôi phải chỉ dẫn bệnh nhân cách uống thuốc như thuốc nào uống lúc đói, thuốc nào uống lúc no… nhất là các em bé nhỏ và các ông cụ bà cụ lớn tuổi.

Trong suốt những năm công tác ở bộ phận cấp phát thuốc bảo hiểm y tế tại Trung tâm y tế huyện Long Điền, có những bệnh nhân gắn liền với những kỉ niệm làm tôi không thể nào quên. Một buổi chiều tháng 7 trời mưa rả rích, một cụ bà hơn 80 tuổi trên tay run run cầm toa thuốc đến quầy phát thuốc. Bà cụ thều thào nói “Cô ơi! Cô làm ơn phát dùm tôi toa thuốc này trước được không? Con cháu tôi đi làm ăn xa nhà không có ai hết tôi phải tự mình bắt xe ôm đi khám bệnh giờ tôi mệt quá nếu có thể cô làm ơn lấy thuốc trước dùm tôi đi cô”. Giọng bà cụ sao mà xót xa đến thế. Tôi thấy thế liền cầm toa thuốc và nói để tôi lấy trước cho bà đồng thời cũng không quên nói với những bệnh nhân khác thông cảm cho bà cụ. Lấy thuốc cho bà cụ xong tôi chỉ bà cụ cách uống từng loại thuốc và dặn bà uống thuốc đúng giờ cũng như dặn bà nên ăn lạt vì huyết áp của bà hơi cao. Dặn dò xong tôi đưa bịch thuốc cho bà rồi dắt bà ra xe. Qua mấy hôm sau, đang phát thuốc bỗng dưng tôi thấy có người đến và dúi vào tay tôi một bịch trái cây. Gọi là bịch cho thấy nhiều chứ bên trong có mấy trái xoài và quýt thôi. Ngẩng đầu lên thì tôi ngạc nhiên khi nhận ra đó là cụ bà mà tôi cấp thuốc bữa trước. Tôi từ chối không nhận và trả lại nhưng bà cụ cứ một mực năn nỉ tôi phải nhận. Bà nói bà cảm ơn tôi nhiều lắm nếu có nhiều người như tôi thì những người già như bà được giúp đỡ rất nhiều. Dù không phải là ngày bà đi khám bệnh nhưng bà vẫn lặn lội từ nhà mang theo trái cây lên cho tôi. Cảm động trước tấm lòng của bà tôi vui mừng khôn xiết vì lần đầu tiên từ khi công tác tại bộ phận cấp phát thuốc đến giờ tôi mới được bệnh nhân khen. Bao nhiêu áp lực công việc cùng nỗi vất vả bấy lâu nay dường như được xoa dịu.Mỗi ngày bộ phận tôi cấp phát khoảng 400 toa thuốc vào những ngày thứ 2 và thứ 6 thì khoảng 600 toa. Áp lực công việc đè nặng lên vai chúng tôi trong khi bộ phận cấp phát thuốc lúc bấy giờ chỉ có vỏn vẹn 3 nhân sự. Nhiều người biết thì thông cảm cho chúng tôi còn nhiều người chờ lấy thuốc lâu quá đâm ra quát nạt thậm chí là đụng tay đụng chân với chúng tôi. Ai đã từng làm trong nghề mới thấu hiểu hết những áp lực mà chúng tôi phải gánh chịu. Chúng tôi cũng hiểu nỗi khổ của bệnh nhân lắm chứ. Ai trong người có bệnh mà chẳng bực bội nhưng mong xã hội hãy có cái nhìn thoáng hơn về ngành y tế chúng tôi mặc dù đâu đó còn phảng phất những y bác sĩ làm cho bệnh nhân không hài lòng. Cũng nhờ có những góp ý của bệnh nhân mà đội ngũ nhân viên y tế chúng tôi có thêm niềm đam mê, trưởng thành hơn và hoàn thiện mình hơn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Không chỉ có bà cụ này mà còn vài ông cụ bà cụ khác mỗi khi đến khám bệnh lấy thuốc đều không quên cho chúng tôi khi thì vài viên kẹo khi thì vài ba quả trái cây tuy không nhiều nhưng bấy nhiêu đó cũng làm ấm lòng và tăng thêm động lực làm việc cho đội ngũ nhân viên cấp phát thuốc bảo hiểm y tế như chúng tôi. Chúng tôi tự hào vì mình được khoác lên màu áo blouse trắng tinh khiết tượng trưng cho những gì tốt đẹp và cao quí nhất. Hình ảnh người thầy thuốc với những viên thuốc trên tay như những vị thần tiên mang sức sống đến cho mọi người.

Tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn đồng nghiệp cũng như những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường nghề dược sĩ chỉ dành tặng cho những ai biết cống hiến vì sự sống con người, giúp trái tim bạn mở rộng, bao dung với những con người, những mảnh đời bất hạnh, không may. Và một ngày nào đó không xa hi vọng rằng xã hội sẽ có cái nhìn tốt đẹp hơn và ghi nhận những đóng góp thầm lặng của những người thầy thuốc như chúng tôi để chúng tôi tiếp thêm ngọn lửa đam mê trên con đường cứu lấy sự sống của con người.

Nguồn: Báo Thanh Niên