Góc nhìn

Bài dự thi cuộc thi viết ‘Khoảnh khắc nghề y’: Nữ lương y – Báo Thanh Niên

Con yêu, con có biết không, hôm nay quả là một ngày mệt mỏi đối với mẹ!
Như mẹ hay nghe nói, bác sĩ và giáo viên là hai nghề đáng quí bậc nhất trong mọi loại nghề. Mẹ cũng nghĩ vậy.
Con thử nghĩ mà xem: một bác sĩ, hay kể cả là một giáo viên, đều cứu người, mặc cho mọi thứ như quá khứ, nghề nghiệp hay tính cách của họ, đó là còn chưa kể đến bao người tâm huyết với nghề. Bác sĩ thì sẽ cứu mạng sống của họ, giáo viên thì sẽ cứu tương lai của họ. Bởi vậy, mẹ chọn con đường trở thành bác sĩ. Mẹ nghĩ nếu con người không thể sống, sao họ có tính cách, quá khứ hay nghề nghiệp? Mặc dù từ đầu mẹ đã biết nó không hề đơn giản, nhưng nó còn khó khăn hơn cả tưởng tượng của mẹ!
Con biết không, mẹ vốn rất sợ khi nhìn thấy ai đó bị thương. Mặc dù xem nhiều bộ phim, mẹ cứ nghĩ rằng nếu mình là nhân vật, mình sẽ không hốt hoảng như vậy. Thế nhưng, khi thấy ai đó bị tai nạn, chảy máu từ vết thương, mẹ hốt hoảng lắm. Nếu là một vết trầy thì không sao, nhưng nếu đó là cả một mảng da bị rạch, hay một vết đâm sâu, mẹ thường trốn đi và ngồi khóc, sau đó lại day dứt không yên. Nay, chọn con đường làm bác sĩ ngoại khoa, mẹ còn phải chứng kiến cảnh đó nhiều hơn cơm bữa, làm sao mà không khó chứ!
Hơn nữa, nước ta giờ chưa phát triển lắm về y học. Thế nên, có nhiều bệnh nhân, dù đau đến quằn quại hay hơi thở vô cùng yếu ớt, các bác sĩ cũng chỉ có thể cho một liều giảm đau, hay bình thở ô xy thôi. Họ có thể ra đi bất cứ lúc nào. Nghề y là như thế đấy! Qua bao năm, cuối cùng mẹ đã học được cách kìm những giọt nước mắt của mình trước những cảnh như thế. Nhưng, cái cảm giác tội lỗi vẫn cứ đeo bám mẹ không thôi. Mẹ luôn có một ý nghĩ mình đã có thể làm gì đó, dù ít dù nhiều, để giúp đỡ họ. Dù miệng nói là không còn hi vọng, nhưng mẹ còn có một niềm hi vọng rất lớn lao, mẹ không dám chắc có thể lớn hơn niềm hi vọng của người nhà bệnh nhân không, nhưng mẹ cảm thấy vậy. Mỗi ngày qua, mẹ đã phải chứng kiến bao người chết, bao người được cứu sống. Có giọt nước mắt vui mừng, thì cũng có từng ấy giọt nước mắt thất vọng. Nếu mẹ là người nhà bệnh nhân, thấy họ chết, có lẽ mẹ còn cảm thấy nhẹ lòng hơn. Thế nhưng, bệnh nhân đưa đến để mẹ cứu sống, nhưng họ lại mất đi, thì nỗi day dứt còn tăng lên gấp bội. Chính vì vậy, giờ mẹ mới hiểu: làm bác sĩ cũng như một kẻ sát nhân vậy, dù đó không phải chủ ý của mình, nhưng họ chết dưới tay mình, thì cũng như nhau cả thôi! Mẹ không thể hiểu được loại người ham danh hám lợi. Mặc dù mấy thứ đó cũng quan trọng thật đấy, nhưng mẹ có thể đi ăn xin chỉ để cho những bệnh nhân của mẹ thoát khỏi bàn tay tử thần. Có tiền để làm gì kia chứ, khi một con người đang quằn quại chỉ vì các bác sĩ chưa nhận được cái thứ “phí bồi dưỡng” kinh tởm kia? Và cũng chính tại mấy kẻ vô lương tâm được gán cho mác “bác sĩ” đó đã làm cho nghề vô cùng cao quý này bị ô uế đi.
Hôm nay là ca trực của mẹ, thế nên mẹ không thể về nhà được. Mẹ xin lỗi con! Mai lại còn là ngày khai trường vào lớp 1 của con nữa chứ. Mẹ chẳng ở nhà để chuẩn bị cho con được. Nhưng từ mấy tuần nay mẹ đã dặn dò con kỹ lắm. Chắc con sẽ ổn thôi! Ngày khai trường này sẽ rất có ý nghĩa với con, cho dù sau này con sẽ không nhớ rõ về nó, nhưng ấn tượng mà nó để lại chắc chắn sẽ không phai nhòa. Mẹ không biết mai mẹ có thể về kịp để đưa con của mình đi nữa không, nhưng mẹ sẽ cố gắng. Tất nhiên, nếu có chuyện khẩn cấp xảy ra, mẹ sẽ chọn ở lại bệnh viện. Mẹ biết con luôn hiểu cho mẹ. Mẹ cũng biết từ ngày mẹ bước chân vào giảng đường đại học Y rằng, nếu mẹ đi theo con đường này, mẹ sẽ không thể chăm sóc cho gia đình mình chu toàn như những người phụ nữ khác. Đêm nay, các bà mẹ sẽ trằn trọc vì lo cho những đứa con của mình, nhưng mẹ phải thức trắng, nửa lo cho con, nửa lo cho các bệnh nhân trong viện. Bấy nhiêu thôi đã tạo nên một sự khác biệt to lớn giữa mẹ và họ rồi.
Có thể sau này, khi lớn hơn và hiểu biết hơn, con sẽ gắt gỏng với mẹ vì mẹ không thể chăm lo cho con như những người mẹ khác. Có thể gia đình mình sẽ trách mẹ vì mẹ không túc trực hằng ngày ở nhà. Có thể sau này mẹ cũng sẽ cảm thấy hối hận vì đã không dành thời gian bên những người thân thương. Nhưng ngay bây giờ đây, mẹ không cảm thấy hối tiếc vì đã trở thành một bác sĩ, và mẹ sẽ cố gắng để trở thành một vị lương y cao quý. Con đã, đang và sẽ hiểu cho mẹ, trong một lúc nào đó, phải không nào?
Nguồn: Báo Thanh Niên